FB tuyển sinh :       Zalo tuyển sinh:        
    CHIÊU SINH - TUYỂN SINH
    THÔNG BÁO
     PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH
Thứ Bảy - 16/11/2019
NHỮNG CÂU HỎI ĐÁP THƯỜNG GẶP VỀ HIV/AIDS
  

 

 

NHỮNG CÂU HỎI ĐÁP THƯỜNG GẶP VỀ HIV/AIDS
Lấy từ website Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
HIV lây truyền qua đường máu như thế nào và cách phòng chống?
Virus HIV lây truyền qua đường máu do:
- Truyền máu không được sàng lọc HIV.
- Các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô khuẩn như dùng bơm kim tiêm, kim xăm, kim xâu tai và các dụng cụ sắc nhọn khác. Người nghiện ma túy dùng bơm kim tiêm chung.
- Người chăm sóc bệnh nhân AIDS có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay... do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Để phòng chống lây truyền HIV qua đường máu, chúng ta phải thực hiện các biện pháp sau:
- Bảo đảm 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, cũng như kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu.
- Khi thực hiện tiêm chích, châm cứu, các thủ thuật qua da, thực hiện thụ tinh nhân tạo....phải bảo đảm các dụng cụ được tiệt khuẩn. Tuyệt đối phòng ngừa hiện tượng lây chéo xảy ra trong chăm sóc dịch vụ y tế.
HIV lây truyền qua đường tình dục như thế nào và cách phòng chống ?
Trong khi giao hợp sẽ tạo ra rất nhiều vết xước nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. HIV có rất nhiều trong tinh dịch và dịch âm đạo sẽ thông qua các vết xước này để đột nhập vào cơ thể. Những kiểu giao hợp gây nhiều xây xước ( qua đường hậu môn) sẽ rất dễ bị nhiễm HIV. Trong quan hệ tình dục, ai là người nhận tinh dịch, người đó dễ bị nhiễm HIV hơn.
Người mắc bệnh lây qua đường tình dục mạn tính có viêm loét như giang mai, lậu, hạ cam,... có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp hàng chục lần so với người khác. Càng có nhiều bạn tình càng làm tăng khả năng bị lây nhiễm HIV vì người nhiễm HIV không có biểu hiện gì khác người bình thường. Tần suất lây HIV qua một lần giao hợp là 0,1 - 1%.
Để phòng chống lây truyền HIV qua đường tình dục, chúng ta phải thực hiện lối sống lành mạnh, quan hệ thủy chung một vợ một chồng hoặc chỉ quan hệ tình dục với một bạn tình duy nhất; sử dụng bao cao su đúng phương pháp, ngay từ đầu và trong suốt thời gian giao hợp để phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
HIV lây truyền từ mẹ sang con và cách phòng chống ?
Chúng ta đều biết rằng, một trong ba đường lây truyền HIV chủ yếu là truyền từ người mẹ sang người con qua bánh rau khi có thai, qua máu và dịch âm đạo khi chuyển dạ đẻ, qua sữa khi cho con bú.
Khả năng người phụ nữ bị nhiễm HIV có thai có thể truyền HIV cho con là 20 - 30%.
Phụ nữ bị nhiễm HIV nếu có thai sẽ bị biến chuyển thành bệnh AIDS nhanh hơn những người khác.
Để phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con, mỗi nữ thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ (từ 18 đến 35 tuổi) cần biết:
- Nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV của phụ nữ để áp dụng các biện pháp dự phòng, thực hiện các hành vi an toàn.
- Trước khi kết hôn, trước khi định có thai nên đi xét nghiệm HIV để được tư vấn.
- Khi đã bị nhiễm HIV, tốt nhất không nên có thai, nếu đã có thai nên đi phá thai sớm. Nếu vẫn quyết định đẻ, nên đến các cơ sở sản khoa để được tư vấn sâu hơn và xem xét khả năng sử dụng một số thuốc làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người mẹ sang người con.
Nếu muốn xét nghiệm tự nguyện phát hiện nhiễm HIV/AIDS thì có thể xét nghiệm ở đâu ?
- Trong cuộc sống có nhiều tình huống, hoàn cảnh có thể dẫn tới việc một người nghĩ rằng mình có thể bị lây nhiễm HIV. Ví dụ: bạn đã từng tiêm chích ma túy và sử dụng chung kim tiêm với người khác, bạn có quan hệ đồng tính luyến ái hay quan hệ tình dục với nhiều người mà không dùng bao cao su hay bạn được truyền máu mà người cho máu hoặc máu truyền bị nhiễm HIV.....Trong những trường hợp như vậy bạn nên đến cơ sở y tế xin được xét nghiệm để xác định chính xác mình có bị nhiễm HIV hay không.
- Việc xét nghiệm có thể tiến hành nhanh chóng với kết quả đáng tin cậy và chi phí xét nghiệm không lớn lắm. Pháp luật cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để bạn tự nguyện đến xét nghiệm. Cụ thể: Điều 16 của Pháp lệnh phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS) qui định trách nhiệm của cơ sở y tế phải xét nghiệm cho người tự nguyện xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS; người tự nguyện xét nghiệm được giữ bí mật về tên, tuổi, địa chỉ, được tư vấn.....Việc xét nghiệm có thể giúp bạn giải tỏa những băn khoăn, lo lắng, bất ổn về tâm lý, giúp bạn biết được thực trạng sức khỏe của mình và có cách đối phó
- Ví dụ, bạn có thể chấm dứt lối sống không lành mạnh của mình mà vì nó bạn đã bị lây nhiễm, dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp y tế khác để hạn chế, làm chậm sự phát triển của bệnh, đồng thời chủ động phòng ngừa không làm lây nhiễm cho người khác.
- Tuy nhiên, việc có đi xét nghiệm hay không vẫn là một vấn đề có tính chất riêng tư và hoàn toàn thuộc quyền quyết định của bạn. Bạn nên suy nghĩ kỹ, lường trước mọi khả năng có thể xảy ra và chuẩn bị tốt về mặt tâm lý để đón chờ bất cứ kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính.
- Về nơi xét nghiệm, tùy theo địa phương nơi bạn đang sống và theo nguyện vọng của bạn, bạn có thể đến xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ học Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, phòng xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc Khoa huyết học của các bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bệnh viện da liễu. Các thông tin về bạn luôn được các cơ sở y tế giữ bí mật.
Tôi là người bị nhiễm HIV có bị cấm làm nghề nào không?
Theo Điều 20. Danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng của Nghị định số 108 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã nêu rõ các nghề sau phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng đồng nghĩa với việc nếu bạn nhiễm HIV sẽ không được làm những nghề này, đó là:
- Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
- Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Như vậy ngoài 2 lĩnh vực này ra, người sử dụng lao động không được
- Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV.
- Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; 
- Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;
- Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
Tôi nghe nói ARV là thuốc điều trị cho những người nhiễm HIV. Vậy tác dụng của thuốc ARV là như thế nào?
- Hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi như là điều trị đặc hiệu bởi vì điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của vi rút do đó duy trì được lượng vi rút thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
- Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.
- Tổ chức Y tế thế giới đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt cũng có tuổi thọ không thua kém người không nhiễm HIV. Người nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1990 đến nay vẫn sống khỏe mạnh do được tiếp cận điều trị ARV kịp thời.
- Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng. 
- Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và tử vong ở người nhiễm HIV. Đặc biệt là giảm nguy cơ làm bệnh lao bùng phát.
Tôi xin hỏi, người lớn nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế được hưởng các quyền lợi như thế nào?
Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi họ sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ bảo hiểm y tế chi trả:
- Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế (Xét nghiệm đếm tế bào CD4, tải lượng vi rút…;
- Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
- Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội (điều trị bằng Cotrimoxazol, Isoniazid…)
Như vậy, hầu hết các dịch vụ bạn đang được hưởng miễn phí tại cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay đều được thanh toán qua bảo hiểm y tế.
Những lợi ích của bảo hiểm y tế với bệnh nhân điều trị bằng ARV?
Thuốc kháng vi-rút (ARV) là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khoẻ của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch.
Lợi ích của thuốc ARV là rất lớn do vậy Việt Nam đã và đang mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Theo thống kê đến tháng cuối tháng 10 năm 2015 đã có hơn 100.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV và tất cả là miễn phí và chủ yếu từ nguồn thuốc viện trợ.
Tuy nhiên trong thời gian tới, khi không còn viện trợ thì bảo hiểm y tế đang được xác định là giải pháp chủ yếu đảm bảo sự bền vững cho người nhiễm HIV được điều trị.
Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV
ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 90 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mặc dù điều trị bằng ARV sớm có lợi ích rất lớn như vậy nhưng hiện nay mới cũng mới chỉ khoảng 45% người nhiễm HIV được chẩn đoán tham gia chương trình điều trị ARV với khoảng 102.000 người. Phần lớn nguồn thuốc ARV chiếm đến khoảng 95% được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế và các tổ chức quốc tế đang thực hiện lộ trình cắt giảm và sẽ tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017. Vậy đâu là giải pháp cho việc đảm bảo nguồn thuốc ARV trong thời gian tới?
Bảo hiểm y tế - Những lợi ích mà người nhiễm HIV cần biết
Năm 2015, Chính phủ đã bổ sung 60 tỷ cho mua thuốc ARV, nâng tỷ trọng kinh phí từ 5% lên 15%, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn trước bối cảnh tài trợ rút đi. Bộ Y tế đã xác định giải pháp trước mắt trình Chính phủ bổ sung kinh phí bù đắp sự thiếu hụt nguồn kinh phí cho mua thuốc ARV khi các tổ chức quốc tế rút dần tài trợ. Tuy nhiên giải pháp lâu dài và bền vững cho đều trị ARV là sẽ thanh toán việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bao gồm cả ARV thông qua bảo hiểm y tế. Bất kỳ ai khi tham gia bảo hiểm y tế thì đều được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Đối với người nhiễm HIV, thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả.
Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số, v.v được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Như vậy, cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua bảo hiểm y tế sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, v.v Dự kiến từ tháng 6 năm 2016, việc điều trị bằng thuốc ARV sẽ được chi trả qua bảo hiểm y tế.
Như vậy nếu với những người không nhiễm HIV bảo hiểm y tế đã rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe thì với người nhiễm HIV bảo hiểm y tế còn quan trọng hơn nhiều. Bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế nhất là khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời.
Vì vậy, việc người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia bảo hiểm y tế ngay từ hôm nay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS.
Xem thêm:

 

Các Tin Khác
    VIDEO CLIP _HỌC TẬP, SINH HOẠT
    HỌC TẬP
    LIÊN KẾT WEBSITE
    LƯỢT TRUY CẬP
TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TỈNH TÂY NINH
Địa chỉ : số 2, hẻm 1, Lạc Long Quân (7, hẻm 18, NV Rốp) Kp.5, P.4, Tp. Tây Ninh
Điện thoại : (0276) 3842374; (0276) 3842375; (0276) 3841305
Fax : +GMAIL: ttgdtxtn2023@gmail.com
Email : ttgdtxtinh.tayninh@moet.edu.vn
Phát triển Bởi Công ty giải pháp Phần mềm & Website Phú lợi