Khi nhân loại sắp bước hết ¼ của thế kỷ thứ 21, thì lẽ ra văn minh của nhân loại đã phải ở mức cao tột đỉnh. Bởi trong quá trình phát triển hơn 2000 năm ấy, nhân loại lẽ ra đã phải tự định cho mình những giá trị nhân văn để mọi cá nhân đều được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa. Đó là chưa kể đến quãng thời gian trước Công nguyên.
Vậy mà đến ngày nay, trên thế giới vẫn còn tội phạm mua bán người, gây cho con người nhiều đau khổ về tình cảm, về thể chất, và nhất là đau thương mất mát khi quyền của một con người bị cướp đoạt, nhân phẩm và giá trị nhân văn cũng không còn. Đó là một nỗi đau lớn đối với những nạn nhân của mua bán người và là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Từ năm 2013, Liên hợp quốc chọn ngày 30/7 hằng năm là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, ngày 30/7 hằng năm được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2024 là “Không bỏ rơi đứa trẻ nào trong Cuộc chiến chống mua bán người” , với mục đích thúc đẩy nâng cao nhận thức và kêu gọi tăng tốc các hoạt động để chấm dứt nạn mua bán người đối với trẻ em. Và chiến dịch được thúc đẩy đặc biệt nhân ngày phòng chống mua bán người là “Chiến dịch Trái Tim Xanh - hãy cảm thương cho nạn nhân của mua bán người”.
Một số nội dung mỗi người có thể thực hiện góp phần chống mua bán người
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Chia sẻ, tuyên truyền và bình luận, thảo luận những thông tin, thông điệp truyền thông trên mạng xã hội về ngày 30/7, Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người của Việt Nam và Ngày thế giới phòng, chống mua bán người. Các mạng xã hội thông dụng như Zalo, facebook.
Nhận thức của bản thân
Hãy tự tìm hiểu thông tin về mua bán người để biết rõ, phòng chống.
Hãy cảnh giác
Nếu thấy bất cứ điều gì có thể có liên quan đến tội phạm mua bán người, hãy báo công an hoặc gọi cho những đường dây nóng có thể hỗ trợ. Hãy nhớ là, nạn nhân có thể bị cưỡng ép bằng rất nhiều cách. Bạn có thể vô tình bắt gặp một nạn nhân của mua bán người ở bất cứ nơi đâu, dù là ở công sở, nơi trường học, khi đang trực tuyến, khi đi du lịch, hoặc ngay cả trong đời sống riêng tư của bạn. Nếu bạn không chắc lắm về tình huống của nạn nhân tiềm năng này, hãy giữ mức cảnh giác cao độ về tình huống và báo cho cơ quan chức năng thay vì để mặc và phớt lờ.
Hãy có trách nhiệm
Hãy tự giáo dục và nâng cao kiến thức cho chính mình, để những lựa chọn trong tiêu dùng mang tính đạo đức hơn. Trong những trường hợp có sự lựa chọn rõ ràng, bạn nên chọn không dùng những sản phẩm và những dịch vụ có liên hệ hoặc liên quan trực tiếp đến xâm hại lạm dụng tình dục, lao động cưỡng bức và những hình thức xâm hại, lạm dụng, bóc lột vi phạm nhân quyền khác.
Tham gia vào
Hãy tìm hiểu những gì đang được cộng đồng thực hiện về phòng chống mua bán người và tham gia vào đó trong phạm vi năng lực của mình. Vận động, khuyến khích mọi người trong cộng đồng - bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, đối tác thương mại - tự nâng cao năng lực về phòng chống mua bán người.
Hãy tham gia đóng góp các quỹ hỗ trợ nạn nhân mua bán người và các quỹ dành cho hoạt động phòng chống mua bán người của quốc gia (nếu có).
Nhiệm vụ của viên chức ngành giáo dục Tây Ninh trong phòng chống mua bán người
Phối hợp có hiệu quả với cơ quan thông tin và truyền thông tại địa phương để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nhất là trong cha mẹ học sinh về tình hình tội phạm mua bán người với những hình thức, thủ đoạn mới.
Cập nhật, phổ biến thông tin về nguy cơ, tác hại của tội phạm mua bán người, đặc biệt là phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn tội phạm.
Hướng dẫn học sinh, sinh viên biết cách khai thác, sử dụng mạng xã hội hiệu quả, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa gạt, lôi kéo của tội phạm mua bán người.
Tăng cường phối hợp gữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác quản lý học sinh, sinh viên trong hè 2024, không để học sinh, sinh viên tham gia các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.
Thông báo rộng rãi, sử dụng đúng mục đích số điện thoại của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 về các trường hợp cần được bảo vệ, cứu giúp.
(thực hiện nội dung trên cơ sở chỉ đạo của ngành Giáo dục tại công văn số 3339/SGDĐT-GDTrH của Sở GD&ĐT Tây Ninh về triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”)
|